Breaking News
Loading...

Recent Post

Thứ Năm, 3 tháng 4, 2014
Thế giới trong tà áo dài Việt Nam- Festival Huế 2014

Thế giới trong tà áo dài Việt Nam- Festival Huế 2014

Khi nhắc đến "áo dài" lập tức mọi người sẽ nghĩ đến Việt Nam bởi vì đó là biểu tượng của Việt nam nói chung và của người phụ nữ Việt Nam nói riêng. 


Như một lời nguyện ước của những nhà thiết kế, mỗi dịp Festival thì Lễ hội Áo dài lại là một sự kiện không thể thiếu ở vùng đất của văn thơ, nhạc, họa...Lễ hội Áo Dài qua nhiều năm đã đi vào lòng người dân Việt vì sứ mệnh của sự gìn giữ vẻ đẹp truyền thống dân tộc đã được phát huy và mạnh mẽ hơn qua sự sáng tạo của các nhà thiết kế trên cả nước.

Năm nay, Lễ hội Áo Dài với ý tưởng rộng mở và táo bạo, mỗi Nhà thiết kế với sáng tạo của mình là đại diện cho một đất nước trên thế giới. Chúng ta lại nhìn thấy được không chỉ là vẻ đẹp vĩnh cữu của chiếc áo dài mà còn là tiếng nói của nhiều phong cách đặc trưng cho mỗi đất nước, chúng ta sẽ cùng sống trong hơi thở của thời đại mới. Năm nay, 600 mẫu áo dài của 18 Nhà thiết kế sẽ được trình diễn trên sân khấu lớn nhất trước kỳ đài. Nghệ sĩ Alain Hurbert vẫn đồng hành cùng áo dài với những hiệu ứng pháo hoa mơ màng sương khói.


Các Nhà thiết kế tại HÀ NỘI: QUANG HUY (Nước Nga qua vẻ đẹp của Matrouska và cung điện Kremlin) - THƯƠNG HUYỀN ( nét truyền thống Nhật bản qua những hoa văn cổ) - ĐỨC HẢI ( đất nước Trung quốc được thể hiện mạnh mẽ qua những hoa văn triện cổ) - CHARMING LYS (Sự nóng bỏng và cuồng nhiệt của Nam Phi) - DUYÊN HƯƠNG ( Duyên dáng trong màu sắc và chất liệu của Thái lan) - VŨ VIỆT HÀ ( Mạnh mẽ với 3 màu cờ nước Ý) - CHU LA ( Nhà thiết kế người Tây ban Nha thể hiện vẻ đẹp của đất nước mình qua chất liệu tơ tằm VN) - NGỌC HÂN ( Tinh thần của Hàn quốc qua những cổng thành cổ) - LAN HƯƠNG ( những nét thêu tay tuyệt mỹ khắc họa vẻ đẹp những bông hoa Tulip , Hà Lan).



Các Nhà thiết kế tại HUẾ: PHAN QUANG TÂN ( Nước Anh với sương mù và kiến trúc hoàng gia) - VIẾT BẢO ( Đất nước Achentina với vũ điệu Tango bỏng cháy).

Các nhà thiết kế TPHCM: SĨ HOÀNG ( Nước Mỹ được khắc họa bằng nét vẽ tay điêu luyện ) - HẢI LONG - THẾ HUY ( Sự huyền bí rất bình yên của nước Lào qua nghệ thuật Opart) - QUANG NHẬT (Chất liệu vải Ấn độ thể hiện vẻ đẹp của đất nước này) - TĂNG THÀNH CÔNG ( Sự lãng mạn của Pháp qua vẻ đẹp của nghệ thuật Gothic) - MINH HẠNH ( Một đất nước Campuchia tươi mới và mạnh mẽ với vẻ đẹp của Angkor) - CÔNG KHANH ( Vẻ đẹp áo dài sâu lắng và nhẹ nhàng với gốm men lam Việt nam) - MAY VIỆT THẮNG ( Những vẻ đẹp tiêu biểu của 3 miền Bắc, Trung, Nam được thể hiện đặc sắc bằng kỹ thuật in digital).

100 người mẫu nổi tiếng sẽ tham gia Lễ Hội Áo Dài vào các ngày 14/4 và 17/4/2014. Giai điệu của mỗi đất nước sẽ vang lên khi Bộ sưu tập của đất nước ấy xuất hiện.


Một lần nữa, Áo dài đã ghi dấu ấn trong lòng công chúng Việt Nam và lần này Áo dài đã đi xa hơn, mở rộng hơn ra thế giới. Áo dài đang gởi những thông điệp cho những con người trên thế giới cùng nhìn về một tương lai của sự thân thiện, bền vững và đầy nét truyền thống của dân tộc Việt Nam.


Đêm hoàng cung tráng lệ

Đêm hoàng cung tráng lệ

Festival Huế năm 2014 sẽ diễn ra từ ngày 12 đến 20 tháng 4, festival Huế có rất nhiều chương trình đặc sắc và hấp dẫn để quảng bá hình ảnh và con người Huế nói riêng, người Việt Nam nói chung.

Đến với Đêm Hoàng Cung là để tìm về với các sinh hoạt của Cung đình Huế xưa trong một không gian thật sâu lắng, cổ kính và huyền bí.

Đêm Hoàng cung: Quần thể di tích Hoàng Thành và Tử Cấm Thành từng là trung tâm hành chính, sinh hoạt của các Vương triều xưa bừng sáng ánh đèn. Sau hồi trống, kèn, múa lân mở màn trước Ngọ Môn, du khách bước vào Đại Nội thưởng thức vẻ đẹp huyền ảo của Hoàng cung xưa được phủ ánh sáng của đèn lồng và nến cùng hệ thống chiếu sáng lade tạo sắc màu rực rỡ. Hồ Thái Dịch hai bên cầu Trung Đạo ngát hương hoa súng, hoa sen, mặt nước soi bóng những cây đại hàng trăm năm tuổi. Hàng ngàn đèn lồng đỏ nối nhau dưới tán cây dọc ngang những con đường tới các điểm vui chơi. Trong bóng đêm, hàng trăm cung nữ, thị vệ trang phục xưa tay cầm đèn lồng đón khách.


Đến với Đêm Hoàng cung, du khách có những cơ hội thưởng thức những sản phẩm văn hóa Huế giàu bản sắc và chương trình nghệ thuật đặc sắc tôn vinh Di sản văn hóa Huế. Quang cảnh chốn Hoàng cung được tái hiện: những vũ khúc cung đình, những trích đoạn tuồng, Nhã nhạc... làm nổi bật những giá trị văn hoá phi vật thể của Huế. Du khách được tham gia những trò chơi cung đình và dân gian đặc sắc tạo nên không khí nhộn nhịp của ngày hội. Thú vị hơn cả, du khách được xem trình diễn và thưởng ngoạn nghệ thuật uống trà Huế - một thú vui tao nhã, cầu kỳ, công phu ở Huế xưa.

Rời cung Diên Thọ, du khách tới khu điện Cần Chánh sôi động với những tiết mục múa lân dân gian, âm nhạc cung đình; lắng đọng ấn tượng với dạ tiệc. Cả Hoàng cung xưa như bừng tỉnh trên không gian thành quách, điện đài cổ kính khi xuất hiện những nhân vật từng gắn bó với Hoàng triều hàng thế kỷ như Vua, Hoàng hậu, quan lại, binh lính, thái giám.... trang phục đủ sắc màu. Sự rộn ràng, uy nghiêm, sự tôn kính các bậc thần linh và các đế vương toát ra từ những tiết mục hòa tấu đại nhạc "Tam luân cửu chuyển", hòa tấu tiểu nhạc "Lân mẫu xuất lân nhi”, múa "Lục cúng hoa đăng"....

Âm sắc cung đình cùng dạ tiệc như lời tri ân khép lại Đêm Hoàng cung huyền thoại. Trở lại đường xưa theo hàng đèn lồng đỏ, du khách qua Ngọ Môn tỏa về các đường phố lấp lánh ánh đèn dầu vầ tiếng nhạc ngựa giữa thành cổ thanh vắng như được sống lại với một Huế xưa.


Đêm Hoàng Cung - Đêm của các hoạt động văn hóa nghệ thuật và ẩm thực đặc sắc như: Trò chơi Cung đình, diễn xướng Nhã nhạc Cung đình, Múa Cung đình, Tuồng Huế, Ca Huế, đều là các loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo của Việt Nam. Đó là việc tái hiện những vẻ đẹp lung linh của Đại Nội về đêm với quan binh, thái giám, thị nữ và những chân dung xưa gắn với các công trình kiến trúc, các sinh hoạt văn hóa trong các cung điện Huế xưa. Đó là việc giới thiệu nghệ thuật ẩm thực cung đình đa dạng của Huế trong các chương trình: Dạ nhạc tiệc, Uống trà thưởng thức các loại bánh Huế, thưởng thức các đặc sản Huế.

Đêm Hoàng Cung - Đêm dành cho những khám phá và cho những ai muốn quay lại cảnh vua chúa thời xưa, hứa hẹn sẽ đầy ấn tượng và kỳ thú !


Thứ Tư, 8 tháng 1, 2014
Hội nghị tổng kết Festival Huế 2012

Hội nghị tổng kết Festival Huế 2012

Sáng 11/6/2012, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị tổng kết Festival Huế 2012 và định hướng Festival Huế 2014.
Với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - Nơi gặp gỡ các thành phố lịch sử”, Festival Huế 2012 được đánh giá là Festival thành công nhất qua 7 kỳ tổ chức. Là điểm nhấn của Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Bắc Trung bộ Huế 2012, Festival Huế 2012 có quy mô hoành tráng, tính chuyên nghiệp cao và chất lượng tốt nhất từ trước đến nay, tính cộng đồng rõ nét, tiếp tục khẳng định vị thế và tiêu chí “Truyền thống, hiện đại, hoành tráng, ấn tượng, an toàn và đầy tính nhân văn”. Festival Huế 2012 thành công càng khẳng định vị thế của Huế là một trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước, khẳng định đẳng cấp và thương hiệu quốc tế của Festival Huế, góp phần phát huy và quảng bá văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam, thực sự là nơi hội tụ, giao lưu của các nền văn hóa đại diện cho các châu lục. 


Chương trình nghệ thuật tại Festival Huế 2012 có chất lượng cao, thể loại phong phú, thể hiện rõ chủ đề Festial Huế và bản sắc độc đáo của văn hóa các dân tộc, Festival Huế 2012 quy tụ 65 đơn vị, nhóm nghệ thuật với trên 2.000 nghệ sỹ chuyên nghiệp đến từ các vùng miền Việt Nam và 27 nước bạn bè quốc tế khắp năm châu lục. Đây cũng là kỳ Festival mà công tác tuyên truyền quảng bá được tăng cường, chất lượng hơn, mang tính chuyên nghiệp, đa dạng, đa phương tiện truyền thông và tính hiệu quả cao hơn với nhiều nét mới hơn sơ với các kỳ trước. Festival Huế 2012 đã thu hút khoảng 700 phóng viên của 124 cơ quan thông tấn báo chí trong nước và quốc tế tham dự và đưa tin Festival Huế. Công tác an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, công tác vệ sinh môi trường được thực hiện nghiêm túc và hiệu quả. Công tác lưu trú, hoạt động dịch vụ du lịch có nhiều chuyển biến tốt, trong thời gian Festival Huế 2012 diễn ra có hơn 189.100 lượt khách du lịch lưu trú trong các khách sạn, nhà nghỉ, trong đó có hơn 90.700 lượt khách quốc tế tăng 62% so với cùng kỳ 2011, tăng 54% so với kỳ Festival Huế 2010, trong đó khách quốc tế tăng gấp hơn 3 lần. Công tác tài chính, tài trợ đạt nhiều kết quả, số thu từ các doanh nghiệp đồng hành với Festival tăng gần gấp đôi năm 2010, số lượng vé bán trong Festival Huế 2012 tăng nhiều so với Festival 2010. Các hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục sôi động; công tác lễ tân, đối ngoại được thực hiện chu đáo, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp, tất cả đã góp phần mang lại hiệu quả và thành công cho Fesstival Huế 2012. 
Tại Hội nghị, Ban tổ chức Festival Huế cũng đã nghiêm túc đánh giá những tồn tại hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất định hướng cho Festival Huế 2014 (Festival Huế 2014 sẽ khai mạc vào tối thứ bảy, ngày 12/4/2014 và kết thúc vào tối chủ nhật, ngày 20/4/2014); Năm 2014 là năm TT- Huế đang phấn đấu để được thông qua chủ trương đưa toàn tỉnh lên thành phố trực thuộc trung ương. Cũng là năm chẵn của nhiều dấu mốc quan trọng, nhiều sự kiện có ý nghĩa trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị Huế: 210 năm quốc hiệu Việt Nam, 115 năm cầu Trường Tiền và chợ Đông Ba, 115 trường Bá công Huế, 110 năm Nhà thương Huế, 95 năm Nhà máy điện được xây dựng, 100 năm Tạp chí nghiên cứu Huế nổi tiếng Đô thành hiếu cổ ra số đầu tiên…. Với bối cảnh đó, chủ đề Festival Huế 2014 vẫn tiếp tục là “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”. Đại diện Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch, các tiểu ban tuyên truyền quảng bá, an ninh trật tự, tài chính tài trợ, lễ tân đối ngoại, các sở ngành, địa phương liên quan… đã tham gia nhiều ý kiến thiết thực nhằm hướng tới tổ chức kỳ Festival Huế 2014 hoành tráng và chất lượng hiệu quả hơn.
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 74 tập thể và 126 cá nhân có thành tích trong việc tham gia, tổ chức thành công Festival Huế 2012.
Ý nghĩa biểu tượng

Ý nghĩa biểu tượng

Festival Huế - Biểu tượng chính thức của Festival Huế 
Logo Festival Huế được thiết kế là sự tiếp nối của logo Festival Huế qua các lần tổ chức và đã trở thành một biểu tượng chung duy nhất cho các kỳ Festival Huế sau này.

Mẫu logo gồm 2 phần:

Phần chữ Festival Huế và năm tổ chức là tác phẩm được tuyển chọn của họa sĩ Pháp De L’Estraint vào năm 1999, khi chuẩn bị tổ chức Festival Huế 2000.

Ý tưởng cơ bản của biểu tượng là sử dụng màu cờ nền đỏ sao vàng của quốc kỳ Việt Nam làm nền, đi liền với màu cờ là hình Ngọ Môn ở Ðại Nội Huế được cách điệu và dòng chữ Festival Huế 2000 được bố trí theo cấu trúc ngữ pháp của tiếng Pháp và tiếng Việt.

Dưới nền logo chính của De L’Estraint, ban tổ chức Festival Huế đưa thêm hình ảnh của linh vật Long Mã.

Long Mã - ngựa hóa rồng - là linh vật đặc trưng thường được trang trí trên một số kiến trúc Huế. Biểu tượng Long Mã được cách điệu từ hình tượng Long Mã tại bình phong trường Quốc Học, di tích lưu niệm thời Bác Hồ theo học tại trường Quốc Học Huế.
 Lịch sử Festival Huế

Lịch sử Festival Huế

Festival Huế - Xuất phát từ những kết quả bước đầu của Festival Việt - Pháp 1992 giữa thành phố Huế và Codev Việt Pháp, tỉnh Thừa Thiên Huế đã sớm hình thành ý tưởng tổ chức một Festival với qui mô lớn hơn, chất lượng cao hơn. Ý tưởng ấy đã được sự đồng tình của nhiều bộ, ngành Trung ương và Ðại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam. Tháng 10 năm 1998, Chính phủ đã có quyết định cho phép tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Ðại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức Festival Huế 2000.

Festival Huế 2012

Ngay sau đó, các nhóm chuyên gia kỹ thuật Việt - Pháp đã phối hợp khẩn trương chuẩn bị theo hướng tổ chức Festival Huế 2000 là một sự kiện văn hóa lớn của Việt Nam, vừa có quy mô quốc gia và có tính quốc tế, thu hút sự tham gia của các vùng văn hóa tiêu biểu ở Việt Nam và tiếp cận với nghệ thuật đương đại của Pháp, gắn mở rộng giao lưu văn hóa với phát triển kinh tế du lịch, từng bước tiếp thu công nghệ Festival quốc tế, xây dựng Huế xứng đáng là thành phố Festival của Việt Nam.

Từ cuối năm 1998, đầu năm 1999 - thời điểm chuẩn bị bước vào thế kỷ XXI và thiên niên kỷ mới, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế với sự phối hợp, hỗ trợ của Chính phủ Pháp và Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam, sự giúp đỡ trực tiếp của Bộ Văn hóa Thông tin, Tổng cục Du lịch, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành đã chính thức đề nghị Chính phủ cho phép tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức Festival Huế 2000 - một lễ hội văn hóa nghệ thuật, du lịch có quy mô quốc gia và tính quốc tế đầu tiên ở Việt Nam.

Festival Huế 2000 diễn ra 12 ngày đêm, với sự tham gia của trên 30 đơn vị nghệ thuật của Việt Nam và Pháp với trên 1000 nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, thu hút hơn 410.000 lượt người tham dự Festival, trong đó có 41.000 lượt khách du lịch, với 6000 lượt khách quốc tế... Đây thực sự là ngày hội văn hóa, nghệ thuật và du lịch có quy mô quốc gia và quốc tế, một đợt tổng diễn tập hoạt động giao lưu có tính chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, thúc đẩy sự hồi sinh của tỉnh Thừa Thiên Huế sau cơn lũ lịch sử năm 1999, phát huy được lợi thế so sánh của tỉnh Thừa Thiên Huế trên lĩnh vực văn hóa - du lịch.

Festival Huế 2002 tiếp tục phát triển chủ đề “Khám phá nghệ thuật sống của cố đô Huế” đi liền với mở rộng giao lưu quốc tế, diễn ra 12 ngày đêm và 1 tháng trước ngày khai mạc được khởi động bằng Trại Sáng tác Điêu khắc Quốc tế “Ấn tượng Huế - Việt Nam” với sự tham gia của 33 đoàn nghệ thuật tiêu biểu đến từ các nước Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Lào, Campuchia và các đoàn trong nước gồm 1554 nghệ sĩ, diễn viên, cán bộ kỹ thuật, thu hút trên 1 triệu lượt người tham dự, 75.000 lượt khách du lịch, trong đó có 18.000 lượt quốc tế (tăng gấp 3 lần so với Festival Huế 2000). Festival Huế 2002 đã tạo được tiếng vang lớn, mang tầm vóc quốc gia và quốc tế, tạo tiền đề để xây dựng Huế trở thành thành phố Festival của Việt Nam.

Festival Huế 2004 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” diễn ra trong 9 ngày đêm gắn với 1 tháng khởi động của Trại Sáng tác Điêu khắc Quốc tế “Ấn tượng Huế - Việt Nam”, Trại Điêu khắc Dân gian, Festival Thơ Huế và nhiều hoạt động dạo đầu, đã quy tụ 15 đoàn nghệ thuật nước ngoài đến từ các nước Pháp, Trung Quốc, Argentina, Úc, Ấn Độ, Đức, Mỹ; 25 đoàn nghệ thuật trong nước với 1.300 diễn viên chuyên nghiệp, gần 2.000 diễn viên không chuyên và đội ngũ cán bộ kỹ thuật từ nhiều lực lượng tham gia phục vụ Festival, thu hút 1,2 triệu lượt người tham dự, 101.950 lượt khách du lịch, trong đó có 11.950 lượt khách quốc tế. Đây là một lễ hội văn hóa du lịch có quy mô quốc gia và quốc tế, giới thiệu được những giá trị nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam, của Huế và nhiều quốc gia trên thế giới, đồng thời là dịp tôn vinh Nhã nhạc Cung đình Huế - kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại vừa được UNESCO công nhận, tiếp tục tạo ra động lực thúc đẩy kinh tế du lịch và văn hóa phát triển, khẳng định lợi thế của một thành phố Festival của Việt Nam.

Festival Huế 2006 với chủ đề “700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế, Di sản Văn hóa với Hội nhập và Phát triển” - quy tụ 1.440 nghệ sĩ, diễn viên của 22 đoàn nghệ thuật trong nước (1171 diễn viên) và 22 đoàn nghệ thuật quốc tế (269 diễn viên) đến từ các nước: Pháp, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Anh, Argentina, Indonesia, Úc. Festival Huế 2006 tiếp tục phát huy được những kết quả và các kinh nghiệm của các kỳ Festival trước, đã đạt được các yêu cầu đặt ra, thu hút 1,5 triệu lượt người tham dự vào các hoạt động tại Festival Huế. Một tháng khởi động trước khai mạc và 9 ngày đêm liên tục từ 3/6 đến 11/6/2006, Festival Huế 2006 đã mang đến cho công chúng 138 suất diễn, trên 40 hoạt động văn hóa và lễ hội cộng đồng. Chương trình đã được công luận đánh giá là một lễ hội mang đậm chất dân tộc, hiện đại, hoành tráng, hấp dẫn và an toàn, thể hiện được đẳng cấp của một Festival chuyên nghiệp và có tính quốc tế của Việt Nam. Đặc biệt, Festival Huế 2006 đã tiếp tục đánh thức, khơi dậy những giá trị văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế, tiếp thị một cách có hiệu quả với bạn bè năm châu hình ảnh của cố đô Huế, thành phố Festival của Việt Nam.


Quick Message
Press Esc to close